Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, sau 27 năm kể từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, Đại hội lần thứ XIII của Đảng năm 2021 xác định 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Để góp phần quan trọng khắc phục nguy cơ này, phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu.
Bổ sung loại trừ trách nhiệm kỷ luật
.png)
Đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.
Cụ thể, về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, đại biểu chỉ rõ: Dự thảo luật quy định loại trừ trách nhiệm đối với 2 nhóm chủ thể: cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm tổ chức cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép kiểm soát, đánh giá, thử nghiệm và tổ chức doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm theo quy định của dự thảo luật. Các chủ thể này không phải chịu trách nhiệm dân sự, không bị xử phạt vi phạm hành chính, không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp theo quy định.
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, trong pháp lý có 4 loại trách nhiệm, nhưng dự thảo chỉ đề cập 3 loại trách nhiệm pháp lý nêu trên, thiếu trách nhiệm kỷ luật. Việc không quy định xem xét loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với 2 nhóm chủ thể nêu trên có thể dẫn đến các chủ thể này đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm theo quy định nhưng khi thiệt hại xảy ra có thể vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với 2 nhóm chủ thể nêu trên khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
Mở rộng đối tượng được loại trừ trách nhiệm
Theo đại biểu, Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra yêu cầu có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ quy định loại trừ trách nhiệm đối với tổ chức, doanh nghiệp mà chưa quy định được loại trừ trách nhiệm đối với cá nhân được cấp phép thử nghiệm.
Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung chủ thể được loại trừ trách nhiệm theo quy định đối với cá nhân được cấp phép thử nghiệm.
Nội dung khác được đại biểu đề cập là dự thảo luật quy định: Tổ chức doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm sau khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự. Điều này có thể dẫn đến hiểu rằng tổ chức doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm nếu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm.
Đại biểu nhấn mạnh rằng, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là 2 loại trách nhiệm pháp lý khác nhau. Do đó cần nghiên cứu, chỉnh lý lại quy định nêu trên để đảm bảo chính xác và phù hợp.
Mở rộng bảo vệ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thử nghiệm
Dự thảo luật quy định tổ chức doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm có trách nhiệm khuyến cáo rủi ro khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ thử nghiệm trong thời gian thử nghiệm. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thử nghiệm, không chỉ có thể gây ra hậu quả thiệt hại cho người sử dụng trong thời gian thử nghiệm mà còn có thể gây ra hậu quả thiệt hại cho người sử dụng sau thời gian thử nghiệm.
Do đó, cần bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức doanh nghiệp không chỉ khuyến cáo hậu quả rủi ro đối với người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thử nghiệm trong thời gian thử nghiệm mà còn phải khuyến cáo hậu quả rủi ro có thể xảy ra sau thời gian thử nghiệm. Điều này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng trong quá trình thử nghiệm và sau khi kết thúc thử nghiệm.
Tương tự, cần nghiên cứu quy định rõ tại dự thảo luật về trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại và thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác trong quá trình thử nghiệm và sau khi kết thúc thử nghiệm, trừ các trường hợp được loại trừ trách nhiệm theo quy định.
Với những góp ý trên, đại biểu Nguyễn Danh Tú kỳ vọng dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sau khi được hoàn thiện sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế./.